Hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào? Đặc điểm và các bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa trẻ em. Trình bày các biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa trẻ em
Hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào? Đặc điểm và các bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa trẻ em. Trình bày các biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa trẻ em
1. Hệ tiêu hóa gồm các cơ quan:
Hệ tiêu hoá là một hệ thống gồm nhiều cơ quan, có chức năng phá vỡ những cấu trúc và hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết từ thực phẩm để sử dụng cho hoạt động sống hằng ngày của con người. Để thực hiện quá trình này, hệ tiêu hóa cần sự kết hợp nhuần nhuyễn từ hoạt động nhai, đến nghiền cơ học và các hoạt chất enzyme giúp phân hủy sinh học.
Dưới đây là các chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan trong hệ tiêu hóa:
– Cổ họng: Cổ họng là nơi bắt đầu của quá trình tiêu hóa với việc tiếp nhận thức ăn từ miệng. Tại đây, thức ăn được vận chuyển nhẹ nhàng từ họng xuống thực quản. Cổ họng được xem là cơ quan trung gian vận chuyển thực phẩm.
– Thực quản: Sau cổ họng, thực quản là cơ quan tiếp theo mà thức ăn đi đến. Cơ quan này có hình một chiếc ống dài với nhiệm vụ di chuyển thức ăn đến dạ dày. Thực quản thường tạo các cơn co thắt nhu động để nhẹ nhàng đẩy thức ăn đi xuống. Ngoài ra, thực quản còn giúp giữ cho thực phẩm ở dạ dày không bị trào ngược lên lại bằng một “van” cơ học.
– Túi mật: Là một túi nhỏ, nằm sát gan. Có chiều dài khoảng 80 – 100mm. Túi mật có tác dụng co bóp đẩy dịch mật vào ống mật chủ, từ đó vào tá tràng và xuống ruột non, giúp tiêu hóa các chất béo. Túi mật có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa của cơ thể.
– Gan: Gan có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, giúp tổng hợp protein huyết tương, dự trữ glycogen và thải độc. Đây được ví như nhà máy hóa chất của cơ thể, đảm trách và điều hòa các phản ứng hóa sinh.
– Dạ dày: Dạ dày là một trong những cơ quan có vai trò quan trọng của hệ tiêu hóa. Nơi đây được cấu tạo với hình dạng giống một cái túi gồm rất nhiều cơ nằm nối tiếp nhau. Khi thức ăn từ thực quản được vận chuyển xuống, các hoạt chất enzyme và acid bắt đầu được tiết ra. Các hoạt chất này sẽ được cơ dạ dày trộn đều với thức ăn nhằm hỗ trợ quá trình thủy phân protein và dưỡng chất cần thiết một cách dễ dàng. Thức ăn lưu lại cơ quan dạ dày khá lâu do phải liên tục thực hiện quá trình phân hủy các thức ăn. Sau khi phân hủy xong, thức ăn sẽ ở dạng chất lỏng hoặc bột nhão và được di chuyển đến ruột non.
– Ruột non: Ruột non bên trong cơ thể con người có thể dài đến 6 mét. Ruột non giữ chức năng phân hủy tiếp tục các phần thức ăn còn lại từ dạ dày bằng cách trộn chúng với các enzyme tiết ra từ tuyến tụy hoặc mật, gan. Song song đó, ruột non cũng hấp thu nước và các chất dinh dưỡng vào máu. Sau đó, ruột non sẽ đẩy phần bã thức ăn còn lại vào ruột già.
– Ruột già (còn gọi là Đại tràng): phần bã thức ăn còn lại không thể hấp thu từ ruột non sẽ được chuyển đến cơ quan đại tràng ở dạng lỏng. Tại đây, đại tràng sẽ tiếp tục hút nước từ chất thải đó, chuyển chúng thành dạng rắn, tạo thành phân. Thông thường, phân sẽ được xử lý tại đại tràng trong khoảng 36 giờ. Chất thải cấu tạo chủ yếu từ phẩn bã thức ăn không tiêu hóa được, dịch và các tế bào già cỗi của lớp lót ống tiêu hóa.
– Trực tràng:Trực tràng có chiều dài khoảng 20cm, là phần tiếp theo nằm sau đại tràng. Khi phân di chuyển đến cơ quan này, ngay lập tức các dây thần kinh đặc biệt sẽ bị kích thích và truyền tín hiệu đến vỏ đại não để thông báo cho bạn biết cần phải đi đại tiện ngay. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chức năng của cơ quan này chưa hoàn thiện nên trẻ vẫn chưa thể tự chủ trong việc đi đại tiện.
– Hậu môn: Hậu môn là cơ quan cuối trong quá trình tiêu hóa. Cơ quan này được cấu thành từ cơ thắt hậu môn và cơ sàn chậu. Nhiệm vụ chủ yếu của hậu môn là lưu trữ và đào thải các chất thải. Khi bạn đi vệ sinh, hậu môn sẽ tự động tiết dịch nhầy nhằm bôi trơn giúp chất thải có thể di chuyển khỏi cơ thể dễ dàng.
2. Đặc điểm và các bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa trẻ em:
Trẻ nhỏ với hệ tiêu hóa non nớt thường dễ bị mắc các bệnh đường tiêu hóa hơn người lớn rất nhiều. Điều này một mặt có thể giúp kích thích hệ miễn dịch cho trẻ nhưng mặt khác, nếu không được điều trị kịp thời, nhiều bệnh có thể biến chứng nguy hiểm.
– Khó tiêu: Biểu hiện ở những cơn đau bụng kèm theo quấy, mệt mỏi, thở ra có mùi khó chịu, nôn, phân xấu, lúc mềm, có khi lổn nhổn, có khi xanh nhớt,…
– Tiêu chảy: Trẻ thường mắc phải bệnh tiêu chảy, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài. Nguyên nhân là do viêm nhiễm virút hoặc vi khuẩn hoặc nguyên nhân khác. Bệnh tiêu chảy có thể là cấp tính hoặc kéo dài, được xác định là đi đại tiện trên 3 lần/ngày kéo theo dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước. Tiêu chảy cấp tính các triệu chứng thường kéo dài 3-5 ngày.
– Táo bón: Do hệ thống tiêu hóa còn non trẻ lại đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên trẻ dễ mắc bệnh táo bón. Bệnh táo bón trẻ em là căn bệnh rối loạn tiêu hóa, làm cho các bậc cha mẹ lo lắng. Trẻ bị táo bón thường có dấu hiệu khó đại tiện, đau khi đi đại tiện, chất thải cứng và khô. Theo nghiên cứu thì nguyên nhân gây táo bón là do thiếu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, do tác dụng phụ của các loại thuốc chữa bệnh, do viêm nhiễm, do thiếu nước… Ngoài ra còn do yếu tố thần kinh. Ví dụ rối loạn cảm xúc, sợ sệt, stress cao cũng là nguyên nhân dễ gây bệnh.
– GERD (GastrooesophagealReflux Disease): Là bệnh trào ngược dạ dày- thực quản hay còn gọi là chứng ợ nóng, ợ chua.
+ Hiện tượng trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ là hiện tượng một phần các chất chứa trong dạ dày đi ngược lên thực quản. Hiện tượng này mang tính sinh lý, thường gặp với trẻ dưới 18 tháng tuổi.
+ Khối lượng dịch ói ra thường nằm trong khoảng 15 đến 30ml, hoặc có thể nhiều hơn. Hầu hết các trẻ có hiện tượng trào ngược vẫn cảm thấy bình thường.
+ Đặc thù của bệnh là thực quản bị viêm tấy dưới tác động của acid từ dạ dày đưa lên. Dạ dày là nơi sản xuất ra acid clohydric (HCL) để làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Các cơ thực quản làm nhiệm vụ co giãn để ngăn không cho thức ăn trào ngược nhưng ở những người mắc bệnh cơ thực quản không làm đúng chức năng nên acid trào ra gây tổn thương lớp niêm mạc của thực quản.
+ Nếu các trẻ lớn hơn thì khi bị trào ngược dạ dày – thực quản thường kèm theo hiện tượng ợ chua, nóng rát sau thực quản, viêm thực quản khiến trẻ bị đau khi bú, nóng rát, viêm thanh quản tái diễn, khò khè.
3. Các biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa trẻ em.
Chế độ dinh dưỡng cho bé là điều mà cha mẹ nên quan tâm hàng đầu, ngăn không cho vi khuẩn đường ruột có cơ hội xâm nhập. Có 4 nhóm chất dinh dưỡng mà bé cần hấp thu tốt bao gồm: carbohydrates, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, mẹ nên bổ sung thêm cho bé các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, E giúp chống oxy hóa và làm cho các tế bào miễn dịch hoạt động bền vững hơn. Các loại thực phẩm giàu chất xơ từ các loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt… cũng là một gợi ý hợp lý. Chúng giúp giữ và thanh lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa để lấy năng lượng, dinh dưỡng và đảo thải các nhân tố độc hại ra ngoài. Bên cạnh đó, bạn cần cho bé uống đủ nước để giúp nâng cao sức đề kháng của trẻ, đặc biệt là khi đi ra ngoài trời nắng nóng.
Hệ tiêu hóa của bé rất non nớt. Chính vì vậy, chỉ cần một loại thực phẩm nào đó có vấn đề sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và vi khuẩn đường ruột sẽ có cơ hội tấn công. Do đó, ban đầu khi cho bé bắt đầu ăn một thứ gì đó, bạn nên cho con ăn với số lượng ít, sau đó mới bắt đầu tăng dần số lượng lên.
Tuyệt đối không tự cho rằng thực phẩm đó tốt, giàu chất dinh dưỡng rồi mua thật nhiều và tích trữ cho bé dùng dần.
Thức ăn nhiễm khuẩn, chưa chín, không đảm bảo vệ sinh sẽ làm hệ tiêu hóa của bé bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề các bà mẹ thường xuyên mắc phải dẫn đến vi khuẩn đường ruột tấn công cơ thể bé. Bé có thể đi ngoài, khó chịu, quấy khóc… Vậy nên, bạn cần hết sức cẩn trọng với mỗi bữa ăn của bé.
Thức ăn của bé nên được chọn lựa kỹ càng, tươi ngon và chế biến ngay sau khi mua về. Đặc biệt, bạn nên chó bé ăn dứt điểm từng bữa, hạn chế việc hâm lại đồ ăn nhiều lần. Bạn hãy thận trọng khi hâm đồ ăn bằng lò vi sóng vì lượng nhiệt có thể phân bổ không đều.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ, bạn nên nấu mềm rồi nghiền nhuyễn chứ không nên hầm kỹ để lấy nước. Sữa cho con cũng nên được chọn lựa đúng cách, phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ. Khi cho con uống sữa, bạn nên chọn nước ấm để đảm bảo chất dinh dưỡng và không làm chết các lợi khuẩn.
Ngoài việc chú ý đến vấn đề ăn uống, để ngăn ngừa vi khuẩn đường ruột xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể, bạn nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh, vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn và khả năng nhiễm bệnh từ nhà vệ sinh cũng cao hơn.