Phân tích đặc điểm hoạt động học tập của học sinh Tiểu học. Vì sao nói hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh Tiểu học
Phân tích đặc điểm hoạt động học tập của học sinh Tiểu học. Vì sao nói hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh Tiểu học
Phân tích đặc điểm hoạt động học tập của học sinh Tiểu học. Vì sao nói hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh Tiểu học.
1. Phân tích đặc điểm hoạt động học tập của học sinh Tiểu học.
Hoạt động học là gì: Hoạt động học là hoạt động lĩnh hội (chiếm lĩnh) tri thức, kĩ năng, kĩ xảo và biến đổi bản thân chủ thể hoạt động.
Hoạt động học tồn tại trong suốt quãng đời đi học của người học sinh và là hoạt động chủ yếu của mọi lứa tuổi học sinh. Nhưng ở mỗi cấp học, nó có những điểm riêng biệt. Hoạt động học của học sinh tiểu học có những đặc điểm sau:
– Là hoạt động xuất hiện lần đầu tiên trong đời sống của trẻ:
+ Mặc dù, trước khi đến trường tiểu học, nhiều trẻ đã được “học” ở trường mầm non, nhưng hoạt động học theo đúng nghĩa của nó thì chỉ nảy sinh, hình thành và phát triển ở trẻ khi các em bước vào trường tiểu học và trở thành học sinh. Bởi những “tiết học” ở trường mầm non dù có “nghiêm chỉnh” đến đâu đi nữa, thì ở đó, việc lĩnh hội tri thức khoa học đối tượng đích thực của hoạt động học cũng chưa được đặt ra.
+ Tuy nhiên, khi tiến hành hoạt động vui chơi trong trường mầm non, trẻ lĩnh hội được các tri thức về mối quan hệ giữa người với người, giữa người với đồ vật cũng như tri thức về chính các đối tượng đó. Cũng chính trong vui chơi, ở trẻ xuất hiện nhiều điều thắc mắc về thế giới xung quanh mà hoạt động vui chơi không thể giải đáp. Những thắc mắc ấy chính là nguồn gốc làm nảy sinh ở trẻ nhu cầu nhận thức khoa học.
Nhu cầu này trở thành động lực thôi thúc trẻ đến trường và tiến hành hoạt động học để thỏa mãn nó. Hơn thế, trong “hoạt động học có chủ định” ở trường mầm non, trong các trò chơi (đặc biệt là trò chơi có luật) trẻ đã được làm quen với việc điều khiển hành vi, thái độ của mình theo những qui tắc, yêu cầu nhất định. Việc tuân thủ những qui tắc, yêu cầu đó bao giờ cũng đòi hỏi ở trẻ khả năng tập trung chú ý, khả năng phản xạ nhanh và khả năng kiềm chế,… Đó là cơ hội cho các em học cách điều khiển hành vi, cách bắt hành vi tuân theo một nhiệm vụ nhất định. Đó cũng chính là sự tập dượt để trẻ nhanh chóng thích nghi hơn với kỉ luật học tập khi gia nhập vào trường tiểu học.
+ Rõ ràng, hoạt động học xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc sống của trẻ khi các em gia nhập vào trường tiểu học, cho dù những mầm mống của nó đã được nảy sinh trong lòng hoạt động vui chơi – hoạt động chủ đạo của lứa tuổi trước đó.
– Là hoạt động được hình thành nhờ phương pháp nhà trường.
+ Theo tâm lí học hiện đại, hoạt động học lần đầu tiên xuất hiện và hình thành nhờ phương pháp nhà trường. Phương pháp nhà trường bao gồm cả xác định mục tiêu, lựa chọn nội dung và phương pháp chiếm lĩnh tri thức lẫn tổ chức việc lĩnh hội một cách chuyên biệt.
+ Mục tiêu hoạt động học của học sinh tiểu học không dừng lại ở việc lĩnh hội tri thức, kĩ năng, kĩ xảo,… Mà còn là sự biến đổi trong bản thân học sinh (sự hình thành các năng lực và phẩm chất mới, mà trước hết là các cấu tạo tâm lí mới đặc trưng cho lứa tuổi). Lần đầu tiên đến trường, bằng hoạt động của mình được tổ chức theo phương pháp nhà trường, học sinh nắm lấy những mối liên hệ xuất phát của các bộ môn khoa học. Quá trình hình thành đối tượng khoa học là cơ sở để hình thành năng lực mới trong mỗi học sinh.
* Ví dụ: Năng lực toán chẳng qua chỉ là cái vốn có của đối tượng toán bên ngoài cá thể được gieo vào cá thể rồi “mọc lên” và phát triển lại một lần nữa. Năng lực toán không thể hình thành bên ngoài quá trình hoạt động của chủ thể lên đối tượng toán.
+ Hoạt động học của học sinh tiểu học là hoạt động có đối tượng, có phương pháp. Cũng như ở các cấp học khác, đối tượng của hoạt động học của học sinh tiểu học là hệ thống các khái niệm khoa học và hệ thống tri thức có tính lí luận. Những tri thức, khái niệm khoa học,… Đã được các nhà khoa học tinh chế, chắt lọc và tổ chức lại (tức là có sự gia công sư phạm) mang vào nhà trường. Đó là con đường lí luận trong việc chiếm lĩnh khái niệm khoa học mang tính khái quát.
+ Do đó, tri thức, khái niệm khoa học, kĩ năng, kĩ xảo,… được hình thành trong hoạt động học không thể đúng cho một tình huống cụ thể nào đó mà thích hợp cho các hoàn cảnh tương tự. Ở đây, hơn bất kì một cấp học nào, hoạt động học của học sinh tiểu học không chỉ hướng tới và chiếm lĩnh các khái niệm khoa học, kĩ năng, kĩ xảo,… mà còn hướng tới và tiếp thu cả những tri thức về cách thức tiến hành hoạt động học. Bởi đây là hoạt động có đối tượng lần đầu tiên xuất hiện trong tiến trình phát triển của trẻ em – tri thức khoa học. Do đó, người giáo viên tiểu học không chỉ dạy tri thức khoa học mà còn phải dạy học sinh cách chiếm lĩnh tri thức đó.
+ Ở những lớp đầu tiểu học, việc dạy tri thức, khái niệm và cách học phải trở thành mục đích của từng giờ lên lớp. Khi cách học đã được hình thành thì nó trở thành phương tiện, công cụ để học sinh tiếp tục chiếm lĩnh những tri thức cao hơn ở các lớp cuối tiểu học.
+ Quan niệm về hoạt động học trên đây thì trong dạy học ở tiểu học, giáo viên phải tổ chức, học sinh phải hoạt động, chứ không phải giáo viên đọc học sinh chép, hoặc giáo viên giảng, học sinh ghi nhớ. Muốn biến quan niệm lí luận này thành hiện thực thì phải biến toàn bộ quá trình giáo dục thành một hệ thống việc làm như một qui trình công nghệ. Có thể điều khiển và kiểm soát được nếu kí hiệu thành tựu văn minh của loài người là A, thì ta có công thức A→ a. Mũi tên → là quá trình biến A thành a sản phẩm giáo dục trong mọi trẻ em. Mối quan hệ giữa trẻ em với A là mối quan hệ trực tiếp. Trẻ em phải đối mặt với A, tác động vào A để chuyển cái A thành a trong bản thân chủ thể hoạt động. Nhưng mối liên hệ ấy phải thông qua giáo viên – người vừa biết rõ A (bản thân A và quá trình tạo ra A) và biết rõ trẻ em. Giáo viên có vai trò quan trọng ở ba việc sau: chọn đúng A; làm tường minh logic và quá trình hình thành A; tổ chức để trẻ em chuyển A thành a. Sự thực hiện quá trình này là việc làm của trẻ em mà không ai thay thế được (kể cả giáo viên và cha mẹ học sinh). Như vậy, hoạt động học của học sinh tiểu học là hoạt động được tổ chức chuyên biệt.
– Là hoạt động chủ đạo của học sinh tiểu học.
+ Các nhà tâm lí học đều chỉ ra rằng, mặc dù hoạt động học theo học sinh suốt quãng đời đi học, nhưng chỉ với học sinh tiểu học, vai trò chủ đạo của nó được thể hiện rõ nhất. D.B.Elcônhin cũng đã khẳng định: “Vai trò chủ đạo của hoạt động này chỉ tồn tại một cách đầy đủ nhất trong thời kì nó bắt đầu được hình thành. Lứa tuổi học sinh tiểu học chính là giai đoạn mà hoạt động học tập hình thành một cách tích cực nhất”.
+ Hoạt động học của học sinh tiểu học có đầy đủ các dấu hiệu của một hoạt động chủ đạo: là hoạt động có đối tượng mới đó là tri thức khoa học; là hoạt động tạo ra cái mới trong tâm lí học sinh, đó là những nét tâm lí mới như chú ý có chủ định, ghi nhớ có chủ định, xuất hiện những tiền tố ban đầu của tư duy khoa học,…; Trong lòng của hoạt động học xuất hiện tiền tố của hoạt động chủ đạo kế tiếp, trong trường hợp cụ thể này thì trong lòng của hoạt động học có mầm mống của hoạt động chủ đạo kế tiếp là hoạt động giao tiếp.
2. Vì sao nói hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh Tiểu học?
– Hoạt động học là hoạt động có ý thức của con người được điều khiển một cách tự giác nhằm lĩnh hội những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo.
– Hoạt động chủ đạo là hoạt động mà sự phát triển của hoạt động ấy quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong quá trình tâm lí và trong những đặc điểm tâm lí của nhân cách trẻ ở giai đoạn phát triển đó. Nói cách khác hoạt động chủ đạo là hoạt động mang lại thành tựu mới cho đứa trẻ ở một giai đoạn nhất định.
– Hoạt động học là hoạt động chủ đạo vì:
+ Hoạt động học là hoạt động lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc sống của học sinh tiểu học và trong lòng nó sẽ xuất hiện các yếu tố của dạng hoạt động chủ đạo, của lứa tuổi thiếu niên. Đó là hoạt động giao tiếp.
+ Khi đã được hình thành, hoạt động học tồn tại mãi mãi và không tự thủ tiêu.
+ Hoạt động học vừa là động lực vừa là cơ sở cho sự xuất hiện các phẩm chất tâm lí mới đặc trưng cho học sinh tiểu học. Nó tạo ra cơ sở cho những biến đổi quan trọng trong các quá trình và các thuộc tính tâm lí của nhân cách học sinh tiểu học.
– Vì vậy trong nhà trường tiểu học cần phải tổ chức tốt các hoạt động học cho học sinh để hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh theo đúng mục tiêu.