Phân tích những đặc điểm của lao động sư phạm và yêu cầu đối với người giáo viên trong nhà trường tiểu học
Phân tích những đặc điểm của lao động sư phạm và yêu cầu đối với người giáo viên trong nhà trường tiểu học
Phân tích những đặc điểm của lao động sư phạm và yêu cầu đối với người giáo viên trong nhà trường tiểu học.
1. Phân tích những đặc điểm của lao động sư phạm.
Lao động sư phạm là nhằm giáo dục thế hệ trẻ thành những người có đầy đủ phẩm chất và năng lực mà xã hội yêu cầu. Nói cách khác, lao động sư phạm góp phần “sáng tạo ra con người”, góp phần tái sản xuất sức lao động xã hội đào tạo và bồi dưỡng liên tục những thế hệ trẻ cho đời sau.
Có đối tượng tác động không phải là những vật vô tri, vô giác mà là những con người, thế hệ trẻ đang trưởng thành.
Đối tượng của lao động sư phạm rất đa dạng, phức tạp, nhiều hình, nhiều vẻ. Sản phẩm của lao động sư phạm được “vật chất hóa” trong bộ mặt tinh thần tri thức, thể chất, kĩ năng, kĩ xão, ý chí, phẩm chất và tính cách của học sinh.
+ Đối tượng của lao động sư phạm là học sinh. Học sinh không chỉ chịu tác động của giáo viên, nhà trường mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác như: Gia đình, bạn bè, các phương tiện thông tin đại chúng,… Tất cả những nhân tố này có thể tác động đến việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh một cách tích cực hoặc tiêu cực, tự giác hoặc tự phát,… theo nhiều mức độ và cách thức khác nhau. Mặt khác các mối quan hệ trong cuộc sống của học sinh cũng rất phong phú. Chúng cũng thường xuyên tác động và ảnh hưởng đến học sinh. Vì vậy, lao động sư phạm có nhiệm vụ điều chỉnh mọi tác động từ các nhân tố đến người học sinh nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
+ Nhưng học sinh – đối tượng của lao động sư phạm không phát triển theo tỉ lệ thuận với những tác động sư phạm mà theo quy luật của sự hình thành nhân cách con người, tâm lí và nhận thức. Vì vậy, có khi cùng một tác động sư phạm đến người học sinh nhưng lại có kết quả khác nhau có thể tích cực hoặc tiêu cực. Mặt khác, kết quả của lao động sư phạm không chỉ phụ thuộc vào trình độ được đào tạo của giáo viên mà còn phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh vào thái độ, động cơ, hứng thú người học, vào đặc điểm nhân cách của học sinh.
+ Trong quá trình sư phạm, người giáo viên là chủ thể còn học sinh là khách thể và là đối tượng của lao động sư phạm. Mặt khác, học sinh còn là một thực thể xã hội có ý thức. Vì vậy quá trình sư phạm chỉ đem lại hiệu quả khi phát huy được tính tích cực chủ động, sáng tạo của người học.
2. Yêu cầu đối với người giáo viên trong nhà trường tiểu học.
Lao động sư phạm của người giáo viên tiểu học mang đầy đủ các đặc điểm lao động của người giáo viên. Tuy nhiên, do đặc điểm của đối tượng lao động, do đặc trưng của cấp học, do tính chất nghiệp vụ của nghề dạy học ở Tiểu học, nên các đặc điểm trên có những biểu hiện riêng.
Đối tượng lao động trực tiếp của người giáo viên tiểu học là học sinh có độ tuổi từ 6 – 11, 12 tuổi. Đó là những học sinh hồn nhiên, ngây thơ, sống chủ yếu bằng tình cảm và đang tích cực tạo ra cho mình những chuyển biến lớn trong nhận thức, trong tình cảm, trong ý chí do tác động của hoạt động học tập nói riêng, cuộc sống nhà trường nói chung.
Công cụ lao động chủ yếu của người giáo viên tiểu học là nhân cách của chính họ. Với chức năng là người “thầy tổng thể”, giáo viên tiểu học là người có uy tín đặc biệt đối với học sinh. Nhân cách của họ, vì thế là tất cả đối với việc giáo dục các em mà không một điều lệ, chương trình, không một cơ quan giáo dục nào,… có thể thay thế được (K.Đ.Usinxki).
Lao động của người giáo viên tiểu học có ý nghĩa chính trị và kinh tế to lớn. Với sản phẩm đặc trưng là nhân cách của học sinh – yếu tố cần thiết đầu tiên đảm bảo cho sự phát triển tiếp tục của xã hội, lao động sư phạm của giáo viên tiểu học có ý nghĩa chính trị đặc biệt.
Hơn thế nữa, với việc hình thành cho học sinh các năng lực người ở trình độ sơ đẳng nhưng rất cơ bản (năng lực tính toán, năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ, năng lực làm việc trí óc), giáo viên tiểu học đã tạo dựng nền tảng vững chắc cho việc tiếp tục phát triển các năng lực khác nhằm tạo ra “sức lao động” trong mỗi con người – yếu tố thiết yếu cho bất kì một nền tảng kinh tế nào, một trình độ phát triển kinh tế nào. Đó cũng là giá trị kinh tế mà giáo viên tiểu học đã “hiến dâng” cho xã hội.
Lao động của người giáo viên tiểu học đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa tính khoa học, tính nghệ thuật và tính sáng tạo.
+ Tính khoa học đòi hỏi người giáo viên tiểu học phải biết kế thừa có chọn lọc và sử dụng đồng thời các thành tựu của nhiều khoa học khác nhau làm cơ sở cho các hoạt động sư phạm. Tính khoa học của người giáo viên tiểu học không chỉ đơn thuần là tri thức của các khoa học cơ bản mà quan trọng hơn là trí thức của các khoa học nghiệp vụ sư phạm bởi giáo dục tiểu học là cấp học phương pháp.
+ Tính nghệ thuật không chỉ đòi hỏi ở người giáo viên tiểu học sự khéo léo, nhuần nhuyễn trong việc sử dụng các trí thức khoa học vào từng tình huống cụ thể, mà còn đòi hỏi ở sự nhạy cảm, tinh tế, văn minh trong giao tiếp với trẻ.
+ Tính sáng tạo đòi hỏi ở người giáo viên tiểu học không được dập khuôn, máy móc trong việc sử dụng các trí thức mà phải vận dụng chúng một cách linh hoạt, đa dạng, phong phú, cải tiến sao cho phù hợp với từng tình huống và đối với từng học sinh cụ thể. Bởi mỗi trẻ không chỉ là một cá nhân không lặp lại mà còn là một nhân cách có khả năng phát triển còn bỡ ngỡ, đang hình thành và phát triển với tốc độ rất nhanh.
Giáo dục tiểu học là một chuyên ngành giáo dục nằm trong hệ thống giáo dục nước nhà. Tiểu học chính cấp học đầu tiên của hệ giáo dục chính quy. Những giáo viên ở cấp học này thực hiện các công tác chăm sóc, bồi dưỡng kiến thức cho các em nhỏ. Hình thành các kiến thức và kỹ năng tiếp theo trong giai đoạn phát triển của trẻ từ độ 6 tuổi trở lên.
Người giáo viên tiểu học không chỉ đơn giản là lên lớp và truyền đạt kiến thức mỗi ngày mà họ còn phải thực hiện khá nhiều công tác nghiệp vụ chuyên môn. Để có thể hoàn thành tốt công việc đó họ cần đáp ứng được những yêu cầu đối với người giáo viên tiểu học. Cụ thể như sau:
Cấp học tiểu học là giai đoạn đầu tiên học hệ thống giáo dục chính quy vì vậy để tạo dựng được nền tảng kiến thức cho các em nhỏ, đòi hỏi giáo viên phải nắm thật vững kiến thức chuyên môn. Không chỉ vậy mà họ cần phát huy được sự sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy. Tìm tòi và bổ sung các kiến thức mới giúp cho công tác giảng dạy trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Tài phải đi đôi với đức, tài đức vẹn toàn mới làm nên một người giáo viên chân chính. Người giáo viên tiểu học cần phải có tư tưởng đạo đức tốt, thể hiện rõ sự nhiệt huyết của mình trong công việc và hết lòng với các em nhỏ. Các giáo viên cũng cần phải có tinh thần yêu nước, thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Kỹ năng sư phạm là chuẩn thứ ba trong những yêu cầu đối với người giáo viên tiểu học cần nắm được. Khi nắm vững kỹ năng sư phạm bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu học sinh của mình trong nhiều trường hợp, tình huống sư phạm cũng như tháo gỡ các khúc mắc của các em nhỏ.