chuyên đề đánh giá học sinh

chuyên đề đánh giá học sinh

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ Ở TIỂU HỌC

 

1.1. Các khái niệm cơ bản:

1.1.1. Đo lường trong giáo dục:

Theo Hoàng Phê[1] “Thuật ngữ đo lường được định nghĩa là xác định độ lớn của một đại lượng bằng cách so sánh với một đại lượng cùng loại được chọn làm đơn vị”.

Theo Q. Stodola và K. Stordahl: Đo lường trong giáo dục là phương tiện để thu thấp, phân tích dữ liệu về đặc tính, hành vi con người một cách có hệ thống làm cơ sở cho những hành động thích hợp.

Trong tiếng Anh đo lường (Measurement) là một khái niệm chuyên dùng để chỉ sự so sánh một vật hay hiện tượng với một thước đo hay một chuẩn mực, có khả năng trình bày về mặt định lượng. Như vậy, đo lường hay lượng giá là xác định số lượng hay đưa một giá trị bằng số hoặc thứ bậc theo một hệ thống qui tắc nào đó cho một hoạt động giáo dục nhất định. Lượng giá là quá trình thu thập thông tin một cách định lượng về các đại lượng đặc trưng như nhận thức, tư duy, kỹ năng và các phẩm chất nhân cách khác trong quá trình giáo dục làm cơ sở cho những quyết định quản lí.

[1] Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, N. 1998

Trắc nghiệm (test) là một công cụ hay một hệ thống các công cụ dùng đo lường một mẫu hành vi (behavior) để trả lời cho câu hỏi: kết quả học tập của một cá nhân so với những cá nhân khác, hay so với nhiệm vụ học tập cụ thể được qui định từ trước là như thế nào.

1.1.2. Kiểm tra

Theo Từ điển tiếng Việt thuật ngữ kiểm tra được định nghĩa như sau: “Kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét[1]

Theo Tự điển Giáo dục học − NXB Từ điển Bách khoa 2001 thì thuật ngữ kiểm tra được định nghĩa như sau: “Là bộ phận hợp thành của quá trình hoạt động dạy − học nhằm nắm được thông tin về trạng thái và kết quả học tập của học sinh, về những nguyên nhân cơ bản của thực trạng đó để tìm ra những biện pháp khắc phục những lỗ hổng, đồng thời củng cố và tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy − học”.

Như vậy trong lĩnh vực giáo dục, kiểm tra là một thuật ngữ chỉ sự đo lường, thu thập thông tin để có được những phán đoán, xác định xem mỗi học sinh sau khi học đã nắm được gì (kiến thức), làm được gì (kỹ năng) và bộc lộ thái độ ứng xử ra sao, qua đó có được những thông tin phản hồi để hoàn thiện quá trình dạy − học.

[1] Hoàng Phê – Từ điển Tiếng Việt. NXB khoa học xã hội, Hà Nội 1998.

Kiểm tra cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc đánh giá, là phương tiện và hình thức đánh giá. Do đó đánh giá có loại hình nào thì kiểm tra cũng có loại hình đó; nó có ý nghĩa và mục tiêu như đánh giá. Việc kiểm tra chú ý nhiều đến việc xây dựng công cụ đánh giá, ví dụ như câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra. Các công cụ này được xây dựng trên một căn cứ xác định, chẳng hạn như đường phát triển năng lực hoặc các rubric trình bày các tiêu chí đánh giá.

1.1.3. Đánh giá

Đối với một số giáo viên cũng như học sinh, “đánh giá” đơn giản có nghĩa là việc cho học sinh làm bài kiểm tra và cho điểm. Cách hiểu này về đánh giá quá hẹp, và không chính xác.

Đánh giá học sinh tiểu học là quá trình thu thập, xử lý thông tin thông qua các hoạt động như quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Bên cạnh đó, đánh giá còn bao gồm tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh và sự diễn giải các thông tin định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học.

1.2. Mục đích của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục