Giao tiếp sư phạm là gì? Nêu các chức năng của giao tiếp sư phạm

Giao tiếp sư phạm là gì? Nêu các chức năng của giao tiếp sư phạm

1. Giao tiếp sư phạm là gì?

       Giao tiếp sư phạm là quá trình tiếp xúc tâm lí đa chiều trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin, cảm xúc, nhận thức và tác động qua lại lẫn nhau nhằm thiết nên mối quan hệ đa chiều giữa nhà giáo dục với đối tượng giáo dục, giữa các nhà giáo dục với các lực lượng giáo dục, giữa các nhà giáo dục với nhau để cùng thực hiện mục đích giáo dục.

       Giao tiếp sư phạm là sự tiếp xúc tâm lí đa chiều giữa giáo viên và học sinh nhằm truyền đạt và lĩnh hội tri thức khoa học, vốn kinh nghiệm sống, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, xây dựng và phát triển toàn diện nhân cách của học sinh.

2. Các chức năng của giao tiếp sư phạm:

       Giao tiếp sư phạm có nhiều chức năng khác nhau phục vụ cho nhóm người hay từng thành viên trong môi trường sư phạm. Có thể nêu lên những chức năng sau:

       Chức năng trao đổi thông tin: (nội dung) đa chiều giữa các thành viên trong giao tiếp sư phạm. Thông qua giao tiếp sư phạm nhà giáo dục trao đổi truyền đạt tri thức, kinh nghiệm với nhau. Mỗi cá nhân vừa là nguồn phát thông tin vừa là nơi tiếp nhận thông tin trong hoạt động giao tiếp sư phạm. Thu nhận và xử lý thông tin là con đường quan trọng để phát triển nhân cách cho học sinh.

       Chức năng tri giác lẫn nhau trong giao tiếp sư phạm: Các thành viên có sự tác động qua lại với nhau, qua đó làm bộc lộ cảm xúc, tạo ra những ấn tượng, những cảm xúc mới giữa các chủ thể tham gia giao tiếp trong môi trường sư phạm.

       Chức năng nhận thức và đánh giá lẫn nhau trong giao tiếp sư phạm: Khi giao tiếp sư phạm mỗi chủ thể tự bộc lộ quan điểm, thái độ, thói quen,… của bản thân, do đó các chủ thể có thể nhận thức được về nhau, qua đó tự đánh giá được về bản thân mình và đánh giá được người giao tiếp với mình.

       – Chức năng ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp sư phạm: Trên cơ sở nhận thức và đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá được bản thân, trong giao tiếp sư phạm mỗi chủ thể còn có khả năng ảnh hưởng tác động lẫn nhau như tác động đến nhận thức, thái độ, hành vi,…

       Chức năng phối hợp hoạt động sư phạm: Nhờ có quá trình giao tiếp sư phạm, các nhà giáo dục có thể phối hợp hoạt động để cùng nhau giải quyết một nhiệm vụ nào đó nhằm đạt tới mục tiêu chung của nhóm.

       Chức năng giáo dục và phát triển nhân cách: Người học không thể tách mình khỏi môi trường nhà trường, bạn bè, thầy cô giáo, những người làm quản lý giáo dục,… phạm vi giao tiếp sư phạm ngày càng được mở rộng. Qua đó cùng với hoạt động của mỗi cá nhân người học thì giao tiếp sư phạm giúp con người lĩnh hội được các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, năng lực,… để từ đó hình thành nên nhân cách cho mình.