đục lỗ trên tường mượn ánh sáng

đục lỗ trên tường mượn ánh sáng

ĐỤC LỖ TRÊN TƯỜNG MƯỢN ÁNH SÁNG

     Thời Tây Hán, Trung Quốc, có một cậu bé con nhà nông, tên là Khuông Hành. Từ nhỏ, Khuông Hành rất ham học, nhưng vì nhà nghèo, nên không có tiền đi học. Về sau, được một nhà họ hàng dạy cho nhận mặt chữ, cậu mới biết đọc sách.

     Khuông Hành không có tiền mua sách, đành phải đi mượn sách về đọc. Thời đó, sách là vật vô cùng quý giá, những người có sách không dễ cho người khác mượn. Khuông Hành đành đi làm thuê cho những nhà giàu có mỗi khi vào mùa vụ bận rộn; cậu không lấy tiền công, chỉ đòi người ta cho mượn sách về đọc.

     Vài năm sau, Khuông Hành lớn lên trở thành lao động chính trong nhà. Cậu phải làm việc trên đồng từ sáng sớm đến tối mịt, chỉ có lúc nghỉ trưa; cậu mới tranh thủ được một lúc để đọc sách, cho nên một quyển sách phải đọc mươi mười lăm ngày mới xong. Khuông Hành nghĩ, ban ngày làm đồng, không có thời gian đọc sách, mình có thể đọc thêm vào buổi tối. Nhưng nhà Khuông Hành rất nghèo, không có tiền mua dầu để thắp đèn, phải làm sao bây giờ?

     Một buổi tối nọ, Khuông Hành ngồi trên giường lẩm nhẩm đọc thuộc lòng quyển sách mới xem ban ngày.

     Bỗng nhiên, cậu nhìn thấy một tia sáng xuyên qua khe tường. Cậu bật dậy, lại gần xem. Ồ! thì ra là ánh đèn của nhà hàng xóm lọt qua một cái lỗ nhỏ trên tường. Trong đầu Khuông Hành loé lên một ý tưởng, cậu lấy dao khoét cho cái lỗ to thêm một chút; nhờ vậy ánh đèn nhà hàng xóm lọt qua nhiều hơn, cậu bèn nhờ ánh sáng đó mà đọc sách.

     Nhờ chăm chỉ và cần cù như vậy, về sau, Khuông Hành đã trở thành một người học rộng biết nhiều.